Giải phóng bằng hương thơm (HUGO hay MUI DA THIT NGUOI YEU?) TKB |
Tạp Ghi Quỳnh Giao
Người ta kể rằng nàng Joséphine, bà vợ đầu tiên của Hoàng đế Napoléon tức là nữ hoàng đầu tiên của nước Pháp, đã vây bủa bậc anh hùng bằng một mưu chước lạ.
Ðó là phun đầy dầu thơm trong khuê phòng, từ màn cửa cho đến mùng mền chăn gối, để hương thơm của nàng sẽ cột chân vị hoàng đế trăng hoa. Ngày nay thì chúng ta đều biết kết quả của cái mưu lạ.
Ông hoàng đế vĩ đại này đã “gá nghĩa với quyền bính,” như chính ông nói ra, lại còn sưu tầm nhân tình nhiều không kém gì chiến công trận mạc. Sau cùng, vị đại đế lừng danh đã ly dị bà hoàng hậu hơn mình đến sáu tuổi để lấy một nàng trẻ hơn gần ba chục, nữ Quốc công Marie Louise của nước Áo.
Chuyện thị phi ấy của nước Pháp cho thấy quyền lực rất hạn chế của nước hoa trong cái thuật chinh phục của các bà. Những người tự tin thì cho rằng tất cả là từ con người thật, hơn là từ các phẩm vật phù phiếm bên ngoài. Nhưng cái chất phù phiếm mà ta gọi là dầu thơm hay nước hoa vẫn là một kỹ nghệ bạc tỷ xuất phát từ Âu Châu vào cuối thế kỷ 19.
Thật sự thì nghệ thuật chế cất mùi thơm đã có lịch sử hơn bốn ngàn năm!
Các nhà khảo cổ đã thấy dấu vết đầu tiên của dầu thơm là tại vùng Trung Ðông và quanh biển Ðịa Trung Hải ngày nay, mà xuất xứ lại gắn liền với tôn giáo. Người xưa tìm hương liệu thơm tho để xức lên thân hình trước khi dâng lễ các bậc thần linh. Ðấy là một nguồn gốc đầy nhang khói thiêng liêng của bốn chục thế kỷ trước chứ không tầm thường đâu. Cái tên gọi ngày nay, là “perfume” hay “parfum,” ngẫu nhiên cũng phản ảnh điều ấy vì là “per fumum” theo tiếng La tinh, có nghĩa là phảng phất qua khói!
Nếu viết rằng dầu thơm và nhang cúng lại có cùng nguồn gốc tâm linh thì có khi mang tội báng bổ. Nhưng các ông liền nhảy vào bênh vực ngay. Các thánh nữ thời cổ có bôi dầu thơm trước khi dâng lễ lên thần linh thì đời nay, các ông đều tôn các bà các cô là thánh cô hay thánh nữ. Rồi tìm mọi loại hương thơm cỏ lạ để xưng tụng!
Giới khảo cổ cho biết nhà hóa học đầu tiên của nhân loại có thể là một phụ nữ đất Mesopotamia của Trung Ðông tên là Tapputi. Bà là người đầu tiên pha chế ra tinh chất của hoa, của dầu, và tìm ra bí thuật làm nước hoa từ bốn ngàn năm trước.
Bốn ngàn năm sau, các bà khỏi mất công ngồi trong phòng bào chế rồi bị đủ mọi loại dị ứng. Họ yên tâm dắt con gái ra phố tìm loại dầu thơm ưng ý nhất do các ông hì hục chế cất, mỗi năm một thần diệu hơn.
Những ai nói phụ nữ chúng ta chưa mấy được trọng vọng có khi lại hơi bất công! Xin hãy nghe một nhà thơ rên xiết về hương hoa trên thân thể phụ nữ. Ðó là Ðinh Hùng trong bài “Kỳ Nữ”:
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa,
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết.
Ở trên, Quỳnh Giao nói về nàng Joséphine của quốc gia nổi tiếng về nghệ thuật ẩm thực là ăn uống với những loại rượu nho giúp các ông tấm tắc khoe tài. Nhưng bị say hương nhiều nhất có lẽ cũng là dân Pháp. Xứ này đã cống hiến cho các bà hai loại nước hoa đậm mùi cuồng nhiệt, là Shalimar của nhà Guerlain và chai Numéro Cinq của nhà Chanel. Giữ truyền thống Joséphine, họ có thể nghĩ đến nước hoa như một vật liệu làm đắm lòng người.
Nhưng nói vậy thì vẫn là coi trọng các ông vì khiến các bà phải cất công bày mưu chinh phục.
Ngày nay, nhiều phụ nữ trên thế giới tìm nước hoa cho mình, và trước hết là cho chính mình. Chứ họ cũng khỏi cần hỏi han xem người bên cạnh hay bên kia nghĩ sao, ngửi thấy gì! Cái mũi của các ông trong nhà đã thành vô dụng cho các bà trong tiệm mỹ phẩm.
Tội nghiệp hơn thế, ngay tại đất Paris hoa lệ nổi tiếng nịnh đầm, các bà các cô còn hướng mũi về miền Nam tìm hương thơm nhẹ nhàng của mùi chanh cam, mùi sả mùi bưởi, để hưởng lấy gió lộng của cõi khác. Họ khỏi nghĩ đến việc khuất phục các ông mà chỉ muốn thấy thịt da thoải mái và còn thấm đượm nam tính, ý chừng muốn nói rằng “chúng tôi tự lo lấy được rồi.”
Quỳnh Giao viết là “tội nghiệp” vì sau đó chính các ông mới chạy theo để có mùi “Eau Sauvage” của nhà Dior, hoặc “Eau d'Orange Verte” hay mùi “Terre” của nhà Hermès. Từ đấy mới có loại mùi “unisex,” nam nữ cùng xài chung.
Nhưng đừng quên phụ nữ Ấn Ðộ. Từ lâu lắm rồi, họ đã ngửi thấy bí quyết ba tầng của dầu thơm y như các ông có thể nếm thấy ba vị trước sau của một ly rượu chát.
Mùi thơm bền bỉ nhất và làm nền cho cả một ngày nóng bức thì có trầm và hoắc hương. Ðấy là “base note.” Trên đó mới là hương thơm của con tim, chỉ phảng phất sau mươi phút, dân thính mũi thì gọi là “middle note.” Ngoài cùng, thấy ngay bằng mũi và tan biến rất nhanh là loại mùi thơm ngoài da hay “top note.” Ðã nhiều thế kỷ rồi, trước khi ta nghe nói đến nhà Guerlain hay Coty, Caron hay Fabergé thì phụ nữ Ấn Ðộ đã dùng nhiều hợp chất của trầm hương, hoa nhài và cả bạc hà trong loài hoắc hương, để mỗi bước đi từ sáng đến chiều đều để lại dấu vết khó phai.
Thế còn phụ nữ Ba Tư? Họ cũng có nhiều lớp áo trong ngoài như nữ lưu Ấn Ðộ và còn trùm khăn kín mít để che mặt. Các nhà pha chế nước hoa nói rằng đàn bà xứ Ba Tư biết xức dầu thơm rất đậm mùi để bước tới đâu thì tỏa hương đến đó. Ðấy cũng là một loại giấy tờ hay căn cước để phân biệt người này với người khác. Nhưng để “ai” phân biệt thì mới là vấn đề!
Câu hỏi ấy dẫn ta trở về nước Pháp. Sáu chục năm trước, nàng Brigite Bardot xuất hiện, rồi gây ngẩn ngơ với phim “Et Dieu Créa La Femme” (Và Thượng Ðế Sinh Ra Ðàn Bà). Khi ấy thiên hạ đã nói đến một quái tượng. Khi nàng B.B. thản nhiên cho ông chồng thứ hai là Jacques Charrier rơi vào quên lãng, người ta bàn về sự tái sinh của chế độ “mẫu hệ.” Các bà khỏi cần đến phái khỏe vì đã làm chủ cuộc đời của mình rồi nhân tiện làm chủ các ông luôn thể.
Kiểm nghiệm lại thì có lẽ hương thơm cũng là một dấu vết mờ ảo về sự tiến hóa. Trong sự tiến hóa đó, ta thấy đậm mùi giải phóng phụ nữ. Nếu mình tội nghiệp thì cứ cho các ông một chai “aftershave” có vài phần trăm tinh dầu là đủ vui rồi. Cũng có vẻ thơm tho đấy, mà rẻ hơn nhiều!
|
Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Xin goi NHAN XET ve BLOG.